Khuyến cáo dành cho nhân viên y tế và bệnh nhân về nguy cơ nhiễm toan lactic khi sử dụng metformin, đặc biệt ở những bệnh nhân suy giảm chức năng thận, mắc bệnh về tim mạch hoặc sepsis (nhiễm khuẩn nghiêm trọng).
Nhiễm toan lactic là phản ứng có hại của metformin và có thể dẫn đến tử vong nếu không xử trí kịp thời. Bệnh nhân có nguy cơ nhiễm toan lactic và có các dấu hiệu của nhiễm toan lactic cần được tư vấn y tế khẩn cấp.
Metformin là thuốc đào thải qua thận, được chỉ định để điều trị đái tháo đường tuýp 2. Nguy cơ nhiễm toan lactic khi sử dụng metformin tăng lên đối với các bệnh nhân suy giảm chức năng thận. Dưới đây là một số biện pháp nhằm hạn chế nguy cơ nhiễm toan lactic:
- Theo dõi chức năng thận và chỉ định liều metformin phù hợp với chức năng thận.
- Đánh giá nguy cơ suy giảm chức năng thận: sử dụng các thuốc gây độc thận và/hoặc khả năng mất nước có thể làm tăng nguy cơ nhiễm toan lactic.
- Ngừng sử dựng metformin và tăng cường theo dõi chức năng thận trong trường hợp tiêm thuốc cản quang chứa iod, lưu ý cần đảm bảo cơ thể người bệnh đủ nước.
- Ngừng sử dụng metformin tạm thời khi có tình trạng mất nước cấp tính (do tiêu chảy, nôn mửa dữ dội, sốt hoặc do giảm lượng nước uống vào) và tái sử dụng thuốc khi lượng nước trong cơ thể trở về mức bình thường đồng thời không có tình trạng suy giảm chức năng thận.
- Thận trọng đối với bệnh nhân đái tháo đường không kiểm soát và/hoặc có tình trạng cấp tính và/hoặc có bệnh mạn tính ở trạng thái mất bù (nhồi máu cơ tim gần đây, suy tim cấp, suy hô hấp, sốc) có khả năng làm thay đổi chức năng thận, dẫn đến nguy cơ nhiễm toan lactic.
THÔNG TIN DÀNH CHO NHÂN VIÊN Y TẾ
- Các triệu chứng lâm sàng gợi ý tình trạng nhiễm toan lactic ở bệnh nhân:
+ Nôn nhiều lần
+ Đau bụng
+ Chuột rút và đau cơ lan tỏa
+ Cảm giác khó chịu và mệt mỏi nhiều
+ Khó thở
+ Hạ thân nhiệt và giảm nhịp tim.
- Chỉ định chế độ liều theo hướng dẫn trong tờ tóm tắt các đặc tính sản phẩm phù hợp với chức năng thận của bệnh nhân và thường xuyên theo dõi chức năng thận bằng cách tính toán độ thanh thải creatinin.
- Chống chỉ định với các trường hợp:
+ Có bất kỳ tình trạng nhiễm toan chuyển hóa cấp tính nào (nhiễm toan lactic, nhiễm toan ceton)
+ Suy thận nặng (độ thanh thải creatinin <30 mL/phút)
+ Tiền hôn mê do đái tháo đường;
+ Các tình trạng cấp tính có khả năng làm thay đổi chức năng thận như: mất nước, nhiễm trùng nặng, sốc;
+ Mắc bệnh cấp tính hoặc bệnh mạn tính có tình trạng mất bù của như: nhồi máu cơ tim gần đây, suy tim mất bù, suy hô hấp, sốc;
+ Suy tế bào gan, ngộ độc rượu cấp tính, nghiện rượu.
- Lưu ý về nguy cơ xảy ra tương tác thuốc, bao gồm:
+ Không khuyến cáo sử dụng đồng thời metformin với các thuốc cản quang có chứa iod do có thể gây suy giảm chức năng thận thoáng qua hoặc làm nặng thêm tình trạng suy thận đã có từ trước: dừng sử dụng metformin trước hoặc tại thời điểm chẩn đoán hình ảnh. Chỉ tái sử dụng thuốc sau tối thiểu 48 giờ, với điều kiện chức năng thận ổn định sau khi đánh giá lại. Trước và sau khi chụp, cần bù nhiều nước (uống ít nhất 2 lít nước), có thể tiêm tĩnh mạch trong trường hợp giảm thể tích tuần hoàn (đái tháo đường kiểm soát kém hoặc glucose niệu do thuốc lợi tiểu thẩm thấu).
+ Một số thuốc có khả năng làm thay đổi chức năng thận: thuốc hạ huyết áp (thuốc ức chế men chuyển, thuốc đối kháng thụ thể angiotensin II), thuốc lợi tiểu, thuốc kháng viêm không steroid (NSAID), kháng sinh nhóm sulfonamid và aminosid. Khi các thuốc này được sử dụng đồng thời với metformin, nồng độ metformin trong huyết tương có thể tăng lên và có thể cần phải hiệu chỉnh liều metformin để giảm nguy cơ nhiễm toan lactic.
- Cần thông báo cho bệnh nhân về:
+ Nguy cơ nhiễm toan lactic có thể xảy ra khi sử dụng metformin
+ Các tình trạng có thể dẫn đến nhiễm toan lactic như nhiễm trùng nặng, mất nước, bệnh đái tháo đường kiểm soát kém hoặc rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy, nôn mửa)
+ Cần duy trì uống đủ nước, đặc biệt là trong giai đoạn nhiễm trùng, rối loạn tiêu hóa hoặc trước khi thực hiện chẩn đoán hình ảnh có tiêm thuốc cản quang chứa iod.
+ Các triệu chứng của nhiễm toan lactic cần được tư vấn y tế kịp thời.
- Nên tạm thời dừng điều trị bằng metformin:
+ Tại thời điểm sử dụng thuốc cản quang có chứa iod theo khuyến cáo của tờ thông tin sản phẩm
+ Trong trường hợp bệnh nhân bị mất nước (do tiêu chảy, nôn mửa, sốt hoặc do giảm lượng nước uống vào), nên tạm thời ngừng sử dụng metformin và cần liên hệ ngay với nhân viên y tế.
+ Trong trường hợp có các triệu chứng lâm sàng gợi ý nhiễm toan lactic: tạm thời ngừng sử dụng metformin (trong khi chờ tư vấn y tế) là an toàn, do nguy cơ nhiễm toan lactic có thể gây tử vong.
THÔNG TIN DÀNH CHO BỆNH NHÂN
- Tuân thủ nghiêm ngặt liều lượng theo chỉ định của bác sĩ.
- Thông tin cho bác sĩ về các thuốc đang sử dụng, đặc biệt là thuốc điều trị tăng huyết áp, suy tim, thuốc giảm đau kháng viêm (NSAID) hoặc thuốc lợi tiểu. Điều này sẽ giúp bác sĩ đánh giá liệu sử dụng đồng thời metformin với các thuốc trên có phù hợp hay không.
- Hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn nếu bạn cần phải thực hiện chẩn đoán hình ảnh có tiêm thuốc cản quang chứa iod.
- Tránh uống quá nhiều rượu và nhịn ăn kéo dài.
- Uống nước thường xuyên (1,5 đến 2 lít mỗi ngày): việc uống đủ nước và theo dõi chức năng thận thường xuyên giúp phòng ngừa nguy cơ nhiễm toan lactic.
- Thận trọng khi cơ thể bị mất nước, có thể do nôn mửa, tiêu chảy, sốt, tiếp xúc với nguồn nhiệt hoặc chỉ là do uống ít nước hơn bình thường.
- Hãy thông báo cho bác sĩ về các yếu tố có thể làm tang nguy cơ gặp nhiễm toan lactic: tiêu chảy, bệnh đái tháo đường kiểm soát kém, nhiễm trùng nghiêm trọng, các vấn đề về gan hoặc bệnh tim, sụt cân nhanh hoặc tình trạng sóng nhiệt tại nơi bạn đang sinh sống.
- Bệnh nhân cần được tư vấn y tế khẩn cấp nếu có các dấu hiệu lâm sàng gợi ý tình trạng nhiễm toan lactic:
+ Nôn nhiều lần
+ Tiêu chảy
+ Đau bụng
+ Chuột rút và đau cơ lan tỏa
+ Cảm giác khó chịu và mệt mỏi nhiều
+ Khó thở
Nguồn:
https://ansm.sante.fr/actualites/acidose-lactique-et-metformine-un-risque-evitable
Xem chi tiết file d-phng-nguy-c-nhim-toan-lactic-do-metformin.docx tại đây