SỞ Y TẾ TỈNH BÌNH THUẬN
Bệnh viện y học cổ truyền - Phục hồi chức năng Bình Thuận

Lô 2A KDC Hùng Vương, Đường Võ Văn Kiệt, P. Phú Hài, TP. Phan Thiết, Bình Thuận

Bệnh viện là Nhà thương

Xoa bóp - Bấm huyệt

  • 19/06/2017
  • 285
Đại cương

Sơ lược về lịch sử của phương pháp.

Như nhiều dân tộc khác  ở trên thế giới, nước ta cũng sớm có môn xoa bóp cổ truyền. Đó là kết tinh những kinh nghiệm của dân tộc ta và những kinh nghiệm giao lưu với nước ngoài đã được dân tộc ta vận dụng có kết quả và tổng kết lại.

Theo các tài liệu để lại thì Tuệ Tĩnh đã tổng kết những kinh nghiệm xoa bóp chữa một số chứng bệnh (Nam dược thần diệu) với các phương pháp: xoa với bột gạo tẻ chữa chứng có nhiều mồ hôi, xoa với bột hoạt thạch và bột đậu xanh chữa rôm, xoa với bột cải ngâm rượu chữa đau lưng, xoa với rượu ngâm quế chữa bại liệt, đánh gió chữa cảm sốt.

Nguyễn Trực (thế kỷ XV đã ghi nhiều kinh nghiệm xoa bóp để chữa bệnh cho trẻ em trong cuốn "Bảo Anh lương phương" với các thủ thuật xoa bóp, bấm, miết, vuốt, vận động, kéo, tác động lên kinh lạc, huyệt và các bộ phân nhất định khác của cơ thể để chữa các chứng hôn mê, sốt cao, kinh phong, tích trệ, đau bụng, ỉa lỏng, lòi dom, ho hen v.v...

Đào Công Chính (thế kỷ XVII) đã viết "Bảo sinh diện thọ toản yến" tổng kết các phương pháp tự lập trong đó có tự xoa bóp để phòng bệnh và chữa bệnh.

Hải Thượng Lãn Ông (thế kỷ XVIII) trong cuốn "Vệ sinh yếu quyết" đã nhắc lại những phương pháp của Đào Công Chính.

Sau khi nước ta bị thực dân pháp đô hộ, nền y học dân tộc bị kìm hãm, xoa bóp cũng bị coi rẻ.

Sau cách mạng tháng 8, nhất là sau giải phóng miền Bắc (1945), Đảng và chính phủ ta chú trọng trên cơ sở khoa học thừa kế phát huy những kinh nghiệm tốt của y học dân tộc cổ truyền, kết hợp y học dân tộc cổ truyền với y học hiện đại  nhằm tăng cường khả năng phòng bệnh và chữa bệnh cho nhân dân và xây dựng nền y học Việt Nam. Cũng như y học dân tộc nói chung, xoa bóp nói riêng được coi trọng và có những bước phát triển mới. Kinh nghiệm của nhân dân về xoa bóp được thừa kế và áp dụng nâng cao, nhiều bệnh viện đã có cơ sở xoa bóp trong đó áp dụng cả kinh nghiệm dân tộc và hiện đại.

Định nghĩa xoa bóp

Xoa bóp dân tộc là một phương pháp phòng bệnh và chữa bệnh với sự chỉ đạo của lý luận y học cổ truyền. Đặc điểm của nó là dùng bàn tay, ngón tay là chính để tác động lên huyệt da thịt gân khớp của người bệnh, nhằm đặt tới mục đích phòng bệnh và chữa bệnh. Ưu điểm là giải tiện, rẻ tiền có hiệu quả, có phạm vi chữa bệnh rộng, có gía trị phòng bệnh lớn.

Giản tiện, rẻ tiền vì chỉ dùng bàn tay để phòng bệnh và chữa bệnh. Do đó, có thể dùng trong bất kỳ hoàn cảnh nào và không bị lệ thuộc vào phương tiện khác.

Có hiệu quả vì có tác dụng phòng bệnh và chữa bệnh nhất định. Có khẳ năng chữa một số chứng bệnh mãn tính và nhiều khi đạt kết quả nhanh chóng, đảm bảo an toàn, làm xong nhẹ người, triệu chứng bệnh giảm nhẹ.

Phân loại xoa bóp
  • Xoa bóp phục hồi sức khoẻ
  • Xoa bóp chữa bệnh
  • Xoa bóp trong chấn thương và thể dục thể thao
  • Xoa bóp thẩm mỹ
  • Một số phương pháp xoa bóp khác: xoa bóp chân, tác động cột sống


Những điều chú ý khi chữa bệnh bằng xoa bóp.

Cần làm cho người bệnh tin tưởng vào phương pháp để người bệnh phối hợp tốt với thầy thuốc trong quá trình xoa bóp và phát huy sự nỗ lực chủ động trong quá trình đấu tranh với bệnh tật. Do đó, cần chú ý giải thích rõ nguyên nhân bệnh, chỉ dẫn người bệnh những điều cần chú ý và phương pháp tập luyện ở nhà.

Cần có chẩn đoán rõ ràng rồi mới tiến hành xoa bóp. Không làm xoa bóp khi người bệnh quá đói, quá no. Trước khi làm thủ thuật nên để người bệnh ngồi nghỉ thoải mái 5 - 10 phút. Chú ý thủ thuật năng hay nhẹ phải hợp người bệnh. Ví dụ: Đau ở chứng thực làm mạnh ở chứng hư làm nhẹ và từ từ, lần đầu làm nhẹ, bắt đầu và kết thúc làm nhẹ, làm ở nơi đau phải chú ý sức chịu đựng của người bệnh không làm quá mạnh. Sau một lần xoa bóp, hôm sau người bệnh thấy mệt mỏi là đã quá mạnh, lần sau cần giảm nhẹ.

Khi xoa bóp thầy thuốc phải theo dõi người bệnh, thái độ phải hoà nhã, nghiêm túc. Đối với người bệnh mới nhất là nữ, cần nói rõ cách làm để họ yên tâm phối hợp chặt chẽ với thầy thuốc và tránh những hiểu lầm đáng tiếc.

Đợt chữa bệnh và thời gian một lần xoa bóp.

Đợt chữa bệnh:

Để trách hiện tượng nghiện xoa bóp và phát huy tác dụng. Mỗi đợt chữa bệnh thường từ 10 đến 15 lần là vừa.

Với chứng bệnh cấp tính mỗi ngày có thể làm một lần.

Với chứng bệnh mạn tính thường cách một ngày làm một lần hay một tuần làm hai lần.

Thời gian một lần xoa bóp:

Nếu xoa bóp toàn thân thường từ 30 đến 40 phút nếu xoa bóp bộ phận của cơ thể thường từ 10 đến 15 phút.

Những nguyên tắc xoa bóp cơ bản
  • Điều chỉnh âm dương
  • Điều chỉnh chức năng kinh lạc và khí huyết tạng phủ
  • Phục hồi chức năng vận động của cân cơ xuơng khớp
  • Củng cố phục hồi và tăng cường các hoạt động sống của cơ thể


Quy trình Xoa bóp - Bấm huyệt
Xoa bóp tác động trực tiếp lên các thụ cảm thể thần kinh dày đặc ở dưới da tạo ra các phản xạ thần kinh đáp ứng từ đó gây nên tác dụng điều hòa quá trình hưng phấn hay ức chế thần kinh trung ương, gây thư giãn thần kinh, giảm căng thẳng, tăng khả năng tập trung, giảm đau, giãn cơ.

1. Xoa vuốt: 
- Xoa vuốt là kỹ thuật kích thích nhẹ chủ yếu trên da và tổ chức dưới da, nhằm kích thích mạng lưới mao mạch và thụ cảm thể thần kinh tại chỗ, có tác dụng gây giãn mạch, tăng cường tuần hoàn, dinh dưỡng da, giảm đau, giảm phù nề, làm bong lớp sừng chết làm cho da mịn màng.

- Kỹ thuật: 
+ Xoa: dùng đầu ngón tay, gốc gan bàn tay hoặc mô ngón tay út, ngón tay cái xoa tròn lên da chỗ đau, tay KTV di chuyển trên da bệnh nhân. Là thủ thuật mềm mại, thường dùng ở bụng hoặc nơi sưng đau. Tác dụng giảm sưng đau tại chỗ. 
+ Vuốt: Dùng gốc bàn tay, mô ngón tay út, hoặc mô ngón cái vuốt lên da theo hướng thẳng. Tay KTV di chuyển trên da người bệnh, cũng có khi dùng dầu hay bột tan để làm trơn da. Kỹ thuật này có thể áp dụng ở toàn thân. Tác dụng làm mềm gân cơ, giảm đau, giảm sưng nề.

2. Day miết:
- Day miết là kỹ thuật kích thích sâu hơn, đặc biệt đối với cơ, gân, dây chằng, các mạch máu, dây hoặc đám rối thần kinh. Tác dụng gây giãn mạch và tăng lưu thông máu ở sâu, tăng dinh dưỡng tổ chức cơ và thần kinh, chống teo cơ, day mạnh gây tăng trương lực cơ. 
- Kỹ thuật: 
+ Day: Dùng gốc bàn tay, mô ngón tay út, mô ngón cái hơi dùng sức ấn xuống da người bệnh và di động theo đường tròn. Thường làm chậm, mức độ nặng hay nhẹ, to hay nhỏ tùy tình hình bệnh. Là thủ thuật mềm mại, dùng ở nơi đau và có nhiều cơ. Tác dụng giảm sưng đau. 
+ Miết: Dùng đầu ngón tay cái miết chặt vào da người bệnh rồi miết theo hướng thẳng. Tay KTV di động làm kéo căn da người bệnh. Kỹ thuật hay dùng ở đầu, bụng, chi thể. 
+ Phân và hợp: Như kỹ thuật miết nhưng dùng cả hai đầu ngón tay cái, hoặc mô ngón út hai tay; từ cùng một chỗ miết ra hai bên gọi là phân, từ hai chỗ khác nhau miết về cùng một chỗ gọi là hợp. Kỹ thuật này hay dùng xoa bóp ở đầu mặt.

3. Nắn bóp: 
- Nắn bóp có tác dụng chính lên các cơ, dây chằng, gân, tổ chức quanh khớp. Gây giãn mạch tại chỗ rõ rệt, tăng dinh dưỡng tổ chức cơ, chống teo cơ, nắn bóp mạnh làm tăng trương lực cơ. Là một phương pháp tốt để nuôi dưỡng tổ chức cơ nên được coi như một hình thức vận động thụ động đối với các cơ. Nắn bóp trực tiếp lên gân, dây chằng hay thần kinh được sử dụng nhiều trong chống đau, chống co cứng cơ, kích thích cơ - thần kinh bị liệt... 
- Kỹ thuật: 
+ Véo: Dùng ngón cái và ngón trỏ kẹp và kéo da lên, hai tay làm liên tiếp làm cho da người bệnh luôn luôn như bị cuộn giữa các ngón tay KTV. Hay dùng ở lưng và trán. 
+ Bóp: dùng ngón cái và các ngón tay kia bóp vào cơ hoặc gân bị bệnh. Có thể bóp bằng hai, ba, bốn hay năm ngón tay. Có thể vừa bóp vừa hơi kéo lên, không nên dùng lực bóp ở đầu ngón tay sẽ gây đau, mà dùng lực ở đốt thứ 3 ngón tay để bóp. Kỹ thuật này dùng ở cổ, vai, gáy, nách, chi thể. Sức bóp mạnh hay nhẹ tùy trường hợp cụ thể. 

4. Đấm chặt:
- Đấm chặt là hình thức tác động sâu đến cả xương khớp và toàn thân do truyền lực tùy theo mức độ mạnh hay nhẹ. Nếu đấm nhẹ và nhịp nhàng sẽ có tác dụng gây ức chế thần kinh trung ương, giảm đau, tạo cảm giác dễ chịu chống mệt mỏi. Đấm chặt thường được sử dụng nhiều trong xoa bóp lưng và chi thể. 
- Kỹ thuật: 
+ Đấm: bàn tay nắm dùng mô ngón út hoặc bàn tay úp đấm vào chỗ đau. 
+ Chặt: bàn tay duỗi, dùng mô ngón út chặt liên tiếp vào chỗ đau. Nếu làm ở đầu thì xòe ngoán tay, dùng ngón út để chặt vào đầu người bệnh. 
+ Vỗ: bàn tay hơi khum, giữa lòng bàn tay hơi lõm, vỗ từ nhẹ đến nặng vào chỗ bị bệnh. Khi phát da bị đỏ lên do áp lực không khí trong lòng bàn tay tăng gây lên. Thường dùng ở vai, thắt lưng, tứ chi, bụng, vùng sau phổi để tăng thông khí phổi.

5. Rung lắc:
- Rung lắc có tác dụng lan tỏa sâu và rộng, có thể kích thích hoặc phục hồi các phản xạ và dẫn truyền thần kinh. Rung lắc với tần số chậm, nhịp nhàng gây ức chế thần kinh trung ương và giảm đau, giảm trương lực cơ. Rung lắc có ảnh hưởng trực tiếp đến xương và khớp. Ngày nay ngoài kỹ thuật rung lắc bằng tay, người ta đã sản xuất ra các loại máy rung lắc toàn thân, cầm tay, các loại ghế, giường xoa bóp và rung lắc rất tiện lợi. 
- Kỹ thuật: người bệnh ngồi thẳng, tay buông thõng, KTV đứng, hai tay cùng nắm cổ tay người bệnh, hơi dùng sức rung từ tay lên vai để tay người bệnh rung như làn sóng. Tác dụng làm mềm cơ, trơn khớp, giảm mỏi mệt.

6. Bấm huyệt.
- Bấm huyệt là một kỹ thuật điều trị của Y học cổ truyền, là phương pháp dùng tay để tác động lên huyệt, đem lại hiệu quả điều trị rất cao. Cơ chế tác dụng ngoài những tác động lên hệ thần kinh, da... còn được giải thích theo nguyên lý của YHCT (xem thêm ở phần Châm cứu). 
- Kỹ thuật: 
+ Bấm huyệt: dùng đầu ngón tay cái, gốc bàn tay, mô ngón tay cái, mô ngón út bấm vào chỗ đau hoặc các vị trí huyệt. Tác động chính là sức qua da vào cơ, xương hoặc vào huyệt. 
+ Điểm huyệt: dùng ngón tay cái, hoặc phần mu khớp đốt 2 và 3 ngón trỏ, ngón giữa, hoặc khuỷu tay, dùng sức ấn thẳng góc vào huyệt. Đây là thủ thuật tác động mạnh và sâu, thường dùng ở mông, lưng, thắt lưng, tứ chi. 

7. Vận động khớp.
- Vận động khớp nhằm làm cho khớp được bôi trơn và phá vỡ tổ chức xơ dính làm mở rộng tầm vận động đối với khớp vận động hạn chế. 
- Kỹ thuật: một tay cố định phía trên khớp cần vận động, một tay vận động khớp theo tầm vận động của khớp. Nếu khớp bị hạn chế vận động thì cần kéo giãn khớp trong khi vận động nhưng phải hết sức chú ý đến phạm vi hoạt động của khớp lúc đó. Tránh làm quá mạnh gây đau đớn cho người bệnh.
Văn bản pháp lý
Thủ tục hành chính
Thông tin công khai
Câu hỏi quan tâm
Những điều cần biết
  • Đang truy cập9
  • Hôm nay635
  • Tháng hiện tại20,468
  • Tổng lượt truy cập258,006